03 trường hợp người lao động nghỉ việc chăm con ốm

Trường hợp 1: Nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau khi người lao động có con ốm đau

Điều kiện hưởng: Người lao động phải nghỉ việc để chăm sóc con dưới 07 tuổi bị ốm đau và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền (Khoản 2 Điều 25 Luật BHXH năm 2014. Điểm b, khoản 1 Điều 3 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH).

Thời gian hưởng (Điều 27 Luật BHXH năm 2014):

Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ khi con ốm đau tính theo ngày làm việc không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.

Thời gian hưởng chế độ khi con ốm đau trong một năm cho mỗi con được tính theo số ngày chăm sóc con.

Tối đa là 20 ngày làm việc nếu con dưới 03 tuổi;

Tối đa là 15 ngày làm việc nếu con từ đủ 03 tuổi đến dưới 07 tuổi.

Trường hợp cả cha và mẹ cùng tham gia BHXH bắt buộc, cha và mẹ có thể cùng nghỉ hoạc thay nhau nghỉ để chăm sóc con. Cả cha và mẹ đều được giải quyết hưởng chế độ khi con ốm đau (Điểm c, khoản 1, Điều 5 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH).

Chế độ hưởng (khoản 1 Điều 28 Luật BHXH 2014)

Khi nghỉ chăm sóc con hưởng chế độ ốm đau, người lao động không nhận được lương từ người sử dụng lao động.

Cơ quan BHXH sẽ chi trả trợ cấp ốm đau cho người lao động: mức hưởng tính theo tháng bằng 75% mức tiền lương đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc.   

Mức hưởng chế độ ốm đau      =(Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc)/24 ngàyx    75%     x       Số ngày nghỉ việc được  hưởng chế độ ốm đau

Hồ sơ hưởng chế độ ốm đau (Khoản 1 Điều 100 Luật BHXH năm 2014, khoản 1 Điều 21 Thông tư số 56/2017/TT-BYT) gồm:

  • Trường hợp điều trị nội trú: Bản sao giấy ra viện, trường hợp chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh trong quá trình điều trị nội trú thì có thêm bản sao giấy chuyển tuyến hoặc giấy chuyển viện.
  • Trường hợp điều trị ngoại trú: Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH (bản chính). Trường hợp cả cha và mẹ đều nghỉ việc chăm con thì giấy chứng nhận nghỉ việc của một trong hai người là bản sao; hoặc giấy ra viện có chỉ định của y, bác sỹ điều trị cho nghỉ thêm sau thời gian điều trị nội trú.
  • Trường hợp người lao động có con dưới 7 tuổi bị ốm và phải chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh trong quá trình điều trị: Nộp cho đơn vị sử dụng lao động những hồ sơ theo quy định nêu trên để đề nghị cơ quan BHXH xem xét, giải quyết chế độ.

Trường hợp 2: Bố, mẹ nghỉ việc chăm con ốm được hưởng nguyên lương

Ngoài trường hợp nghỉ hưởng chế độ BHXH khi con ốm, người lao động có thể nghỉ phép năm để chăm sóc con mà vẫn được hưởng nguyên lương từ người sử dụng lao động.

Thời gian nghỉ (Điều 113 Bộ Luật Lao động năm 2019):

 Người lao động đã làm việc đủ 12 tháng cho người sử dụng lao động thì được nghỉ hằng năm, hưởng nguyên lương với thời gian:

– 12 ngày với công việc bình thường;

– 14 ngày với người lao động chưa thành niên, lao động là người khuyết tật; công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm;

– 16 ngày đối với công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

Với những người làm việc dưới 12 tháng thì thời gian nghỉ hàng năm theo tỷ lệ tương ứng với số tháng làm việc.

Chế độ hưởng

Người lao động nghỉ chăm con ốm trùng với thời gian nghỉ hằng năm sẽ được hưởng nguyên lương do người sử dụng lao động trực tiếp chi trả theo hợp đồng lao động mà không bị trừ tỷ lệ lương như trường hợp nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội.

Trường hợp 3: Người lao động nghỉ việc riêng để chăm con ốm

Nếu đã nghỉ hết phép năm hoặc con trên 07 tuổi bị ốm, người lao động có thể xin nghỉ việc riêng để chăm sóc con (Điều 115 Bộ Luật Lao động 2019):

“3. Ngoài quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, người lao động có thểthỏa thuận với người sử dụng lao động để nghỉ không hưởng lương.”

Với quy định này, người lao động hoàn toàn có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động về việc nghỉ làm không hưởng lương để chăm con.

Thời gian nghỉ sẽ do các bên thỏa thuận với nhau. Khi đó, lương của người lao động sẽ bị trừ tương ứng với số ngày xin nghỉ để chăm con./.