05 khoản khấu trừ vào lương của người lao động

Pháp luật quy định tiền lương là khoản tiền mà sử dụng lao động phải trả cho người lao động để thực hiện các công việc theo thỏa thuận. Bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp (ăn trưa, ăn ca, phụ cấp đi lại,…) và các khoản bổ sung khác, được xác định theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động. 

Thông thường số thỏa thuận về mức lương trong hợp đồng lao động đã bao gồm các khoản nghĩa vụ mà người lao động phải đóng trong nhà nước. Nên người sử dụng lao động thường sẽ thực hiện khấu trừ ngay các khoản nghĩa vụ đó trước khi chi trả lương hàng tháng cho người lao động

Khoản đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc

Người lao động thuộc một trong các trường hợp sau đây, hàng tháng phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc:

  • Làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn
  • Hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 12 tháng đến 36 tháng
  • Hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 1 tháng đến dưới 12 tháng. Kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi

Mức đóng bảo bảo hiểm xã hội bắt buộc hàng tháng bằng 8% mức tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của người lao động vào quỹ hưu trí và tử tuất

Khoản đóng bảo hiểm y tế (BHYT)

Theo quy định của pháp luật, hàng tháng người lao động phải đóng BHYT nếu thuộc một trong các trường hợp sau:

  • Làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn
  • Làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trở nên
  • Người quản lý doanh nghiệp hưởng tiền lương

Mức đóng BHYT hàng tháng bằng 1,5% mức tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của người lao động

Khoản đóng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN)

Người lao động hàng tháng phải tham gia BHTN khi nằm trong các trường hợp sau:

  • Làm việc theo hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc có xác định thời hạn, không xác định thời hạn;
  • Làm việc theo hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng

Mức đóng BHTN hàng tháng bằng 1% mức tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của người lao động

Khoản đóng đoàn phí

Khoản đóng đoàn phí này áp dụng đối với người lao động là đoàn viên công đoàn

Nếu người lao động có tham gia công đoàn hay còn gọi là đoàn viên công đoàn, hàng tháng phải đóng đoàn phí công đoàn

Mức đóng đoàn phí công đoàn hàng tháng bằng 1% mức tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của người lao động

Khoản khấu trừ thuế thu nhập cá nhân (nếu có)

Thu nhập của cá nhân phát sinh từ tiền lương, tiền công phải chịu thuế thu nhập cá nhân theo quy định của pháp luật.

Nhưng tùy thuộc vào tiền lương của người lao động mà xem xét có phải đóng thuế thu nhập cá nhân hay không? Bởi thu nhập tính thuế thu nhập cá nhân là khoản tiền sau khi đã trừ tiền đóng các khoản bảo hiểm, các khoản giảm trừ…

Do đó, hàng tháng, đơn vị chi trả thu nhập sẽ tính toán, rà soát mức thu nhập của người lao động sau khi đã trừ các khoản sau đây: Để tiến hành khấu trừ thuế TNCN theo biểu thuế lũy tiến từng phần theo quy định của pháp luật: Đóng BHXH, BHYT, BHTN, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp (nếu có), quỹ hưu trí tự nguyện (nếu có), các khoản giảm trừ gia cảnh

Trên đây là những thông tin về các khoản nghĩa vụ được khấu trừ thẳng vào tiền lương hàng tháng của người lao động trừ trường hợp mức tiền lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động chưa bao gồm các khoản nghĩa vụ kể trên.

Tùy quy định nội bộ của từng doanh nghiệp mà có thể điều chỉnh việc khấu trừ các khoản nghĩa vụ trên, nhưng phải đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật

Ngoài ra, hàng năm người lao động còn phải đóng quỹ phòng chống thiên tai bằng 1 ngày lương tính theo mức lương tối thiểu vùng. Mức tiền này sẽ được khấu trừ vào lương của người lao động vào một tháng cụ thể nào đó trong năm.