Những quy định cần biết khi tham gia BHXH tự nguyện để được hưởng lương hưu

Theo Bộ luật Lao động 2019, kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của lao động nam là 60 tuổi 3 tháng và của lao động nữ là 55 tuổi 4 tháng, sau đó cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng với lao động nam (cho tới khi đủ 62 tuổi) và 4 tháng với lao động nữ (cho tới khi đủ 60 tuổi). Cùng với điều kiện về tuổi nghỉ hưu, để được hưởng lương hưu thì người lao động phải tham gia đóng BHXH đủ 20 năm.

Trong điều kiện bình thường thì nhiều người lao động dễ dàng đạt được các điều kiện này. Tuy nhiên, vì một lý do nào đó mà có người lao động đã đủ tuổi nghỉ hưu nhưng lại chưa đủ năm tham gia đóng BHXH. Trường hợp này dù đã có quy định về việc người lao động có thể hưởng BHXH một lần, nhưng người lao động sẽ rất thiệt thòi trong quãng thời gian sống sau này. Nghị định 134/2015/NĐ-CP đã có hướng dẫn nhằm mang lại lợi ích thiết thực và lâu dài cho những người lao động thuộc trường hợp này, đó là tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện.

Người lao động có thể đóng BHXH tự nguyện theo các phương thức: Hàng tháng, 3 tháng/lần, 6 tháng/lần, 12 tháng/lần hoặc nhiều năm/lần (nhưng không quá 5 năm). Nếu thời gian tham gia BHXH còn thiếu dưới 10 năm thì người lao động được đóng một lần cho đủ 20 năm; nếu thời gian tham gia BHXH còn thiếu trên 10 năm thì có thể đóng BHXH tự nguyện theo các phương thức trên cho đến khi còn thiếu dưới 10 năm và được đóng một lần cho thời gian còn thiếu để đủ điều kiện được hưởng lương hưu. Mức đóng là 22% mức thu nhập hàng tháng do người lao động tự chọn, thấp nhất bằng chuẩn hộ nghèo khu vực nông thôn và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở tại thời điểm đóng.

>> Thủ tục giải quyết hưởng BHXH một lần

Một quy định khác có lợi cho người lao động là: Nếu đóng một lần cho nhiều năm về sau thì được hưởng chiết khấu theo lãi suất đầu tư quỹ BHXH bình quân tháng; nếu đóng một lần cho các năm còn thiếu thì được hưởng lãi gộp bằng lãi suất đầu tư quỹ BHXH bình quân tháng, do BHXH Việt Nam công bố. Nhằm khuyến khích và hỗ trợ cho người tham gia BHXH tự nguyện,  Quyết định 595/QĐ-BHXH đã hướng dẫn cụ thể quy định này của Luật BHXH 2014. Theo đó, người tham gia BHXH tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ mức đóng theo tỷ lệ % trên mức đóng BHXH hàng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo khu vực nông thôn. Cụ thể là, người tham gia BHXH tự nguyện thuộc chuẩn hộ nghèo được hỗ trợ 30%, thuộc chuẩn hộ cận nghèo được hỗ trợ 25% và các đối tượng khác được hỗ trợ 10%. Thời gian được hỗ trợ tiền đóng BHXH tự nguyện tùy thuộc thời gian tham gia BHXH tự nguyện thực tế của mỗi người, nhưng không quá 10 năm (120 tháng).