Các lưu ý quan trọng về bảo hiểm thất nghiệp, trợ cấp thất nghiệp năm 2023

Bảo hiểm thất nghiệp, trợ cấp thất nghiệp là những khoản mà tất cả người lao động đều quan tâm. Trong năm 2023, người lao động và doanh nghiệp cần lưu ý những gì về bảo hiểm thất nghiệp và trợ cấp thất nghiệp, cùng CyberCare tìm hiểu trong bài viết dưới đây.

Khái niệm về bảo hiểm thất nghiệp, trợ cấp thất nghiệp

Tại khoản 4 Điều 3 Luật Việc làm 2013 quy định như sau:

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

…4. Bảo hiểm thất nghiệp là chế độ nhằm bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi bị mất việc làm, hỗ trợ người lao động học nghề, duy trì việc làm, tìm việc làm trên cơ sở đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

Bên cạnh đó, căn cứ theo khoản 1 Điều 42 Luật Việc làm 2013, trợ cấp thất nghiệp là một trong 04 chế độ của bảo hiểm thất nghiệp. Như vậy, có thể hiểu:

Trợ cấp thất nghiệp là khoản tiền mà cơ quan bảo hiểm xã hội phải trả nhằm bù đắp một phần thu nhập của người lao động bị mất việc làm khi người này đáp ứng đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp

Những lưu ý quan trọng về bảo hiểm thất nghiệp, trợ cấp thất nghiệp

Doanh nghiệp và người lao động cần lưu ý những nội dung quan trọng sau đây về bảo hiểm thất nghiệp và trợ cấp thất nghiệp năm 2023:

Các chế độ bảo hiểm thất nghiệp năm 2023

Theo quy định tại Điều 42, Điều 47, Điều 54, Điều 56 Luật Việc làm 2013, khi tham gia bảo hiểm thất nghiệp thì ngoài trợ cấp thất nghiệp, người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp bắt buộc (nêu tại Mục 2.2 bên dưới) còn được hưởng các chế độ sau đây:

– Hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm: người lao động đang đóng bảo hiểm thất nghiệp bị chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc mà có nhu cầu tìm kiếm việc làm được tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí.

– Hỗ trợ học nghề:

Người lao động khi đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại Điều 55 Luật Việc làm 2013 thì được hỗ trợ học nghề với thời gian theo thời gian học nghề thực tế nhưng không quá 06 tháng.

Mức hỗ trợ học nghề được quy định tại khoản 1 Điều 3 Quyết định 17/2021/QĐ-TTg như sau:

+ Đối với người tham gia khóa đào tạo nghề đến 03 tháng: Mức hỗ trợ tính theo mức thu học phí của cơ sở đào tạo nghề nghiệp và thời gian học nghề thực tế nhưng tối đa không quá 4.500.000 đồng/người/khóa đào tạo.

+ Đối với người tham gia khóa đào tạo nghề trên 03 tháng: Mức hỗ trợ tính theo tháng, mức thu học phí và thời gian học nghề thực tế nhưng tối đa không quá 1.500.000 đồng/người/tháng.

Lưu ý: Trường hợp người lao động tham gia khóa đào tạo nghề có những ngày lẻ không đủ tháng theo quy định của cơ sở đào tạo nghề nghiệp thì số ngày lẻ được tính theo nguyên tắc: Từ 14 ngày trở xuống tính là ½ tháng và từ 15 ngày trở lên được tính là 01 tháng.

– Hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động.

Doanh nghiệp được hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động đang đóng bảo hiểm thất nghiệp. Điều kiện, thời gian và mức hỗ trợ xem tại Điều 3 và Điều 4 Nghị định 28/2015/NĐ-CP (được sửa đổi bởi Khoản 1 Điều 1 Nghị định 61/2020/NĐ-CP).

Người lao động làm việc tại công ty có phải đóng bảo hiểm thất nghiệp không?

Khoản 1, khoản 2 Điều 43 Luật Việc làm 2013 (có hiệu lực ngày 01/01/2015) quy định người lao động phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp trong các trường hợp sau đây:

Điều 43. Đối tượng bắt buộc tham gia bảo hiểm thất nghiệp

1. Người lao động phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp khi làm việc theo hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc như sau:

a) Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc không xác định thời hạn;

b) Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc xác định thời hạn;

c) Hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng

Trong trường hợp người lao động giao kết và đang thực hiện nhiều hợp đồng lao động quy định tại khoản này thì người lao động và người sử dụng lao động của hợp đồng lao động giao kết đầu tiên có trách nhiệm tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

2. Người lao động theo quy định tại khoản 1 Điều này đang hưởng lương hưu, giúp việc gia đình thì không phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 20 Bộ luật Lao động 2019 (có hiệu lực ngày 01/01/2021), hiện nay không còn loại hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, mà chỉ có 02 loại hợp đồng lao động là:

Điều 20. Loại hợp đồng lao động

1. Hợp đồng lao động phải được giao kết theo một trong các loại sau đây:

a) Hợp đồng lao động không xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng;

b) Hợp đồng lao động xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong thời gian không quá 36 tháng kể từ thời điểm có hiệu lực của hợp đồng.

Như vậy, có thể xác định người lao động phải đóng bảo hiểm thất nghiệp nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây: 

– Trường hợp 1: Người lao động ký hợp đồng không xác định thời hạn.

– Trường hợp 2: Người lao động ký hợp đồng lao động xác định thời hạn, có thời hạn từ đủ 03 tháng trở lên.

Lưu ý:

– Trường hợp người lao động thuộc một trong hai trường hợp nêu trên, nhưng đang hưởng lương hưu hoặc là giúp việc gia đình thì không phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp. 

– Trường hợp người lao động đang thực hiện nhiều hợp đồng lao động thỏa các trường hợp nêu trên, thì người lao động và người sử dụng lao động của hợp đồng lao động giao kết đầu tiên có trách nhiệm tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

bao hiem that nghiep

Công ty có phải đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động không?

Theo khoản 3 Điều 43 Luật Việc làm 2013, công ty ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc hợp đồng xác định thời hạn có thời hạn từ 03 tháng trở lên thì phải đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.

Trừ trường hợp công ty ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ 03 tháng trở lên đối với:

– Người lao động đang hưởng lương lưu. 

– Người lao động làm giúp việc gia đình. 

– Người lao động đã đóng bảo hiểm thất nghiệp tại công ty khác, trong trường hợp người lao động giao kết nhiều hợp đồng lao động.

Việc tham gia bảo hiểm thất nghiệp được quy định như thế nào?

Theo quy định tại khoản 2 Điều 11 Nghị định 28/2015/NĐ-CP thì người sử dụng lao động lập và nộp hồ sơ tham gia bảo hiểm thất nghiệp của người lao động cho tổ chức bảo hiểm xã hội trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc của người lao động có hiệu lực.

Trường hợp người lao động đã giao kết hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng trước ngày 01 tháng 01 năm 2015 và đang thực hiện hợp đồng lao động này thì người sử dụng lao động phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp cho những người lao động này nếu thời hạn kết thúc hợp đồng còn ít nhất 03 tháng trở lên.

Trường hợp người lao động giao kết nhiều hợp đồng lao động theo quy định tại Khoản 1 Điều 43 Luật Việc làm 2013 và đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo hợp đồng lao động giao kết có hiệu lực đầu tiên mà khi chấm dứt hoặc thay đổi hợp đồng dẫn đến người lao động không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp thì người lao động và người sử dụng lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp của hợp đồng lao động giao kết có hiệu lực kế tiếp có trách nhiệm tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật.

Trường hợp người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản hoặc ốm đau từ 14 ngày làm việc trở lên không hưởng tiền lương tháng tại đơn vị mà hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội, người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đã giao kết theo quy định của pháp luật thì người lao động không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp trong thời gian này.

Có thể hưởng trợ cấp thất nghiệp với mức tối đa là bao nhiêu?

Theo quy định tại khoản 1 Điều 50 Luật Việc làm 2013 thì mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 06 tháng liền kề trước khi thất nghiệp. Tuy nhiên, mức hưởng tối đa:

– Đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do nhà nước quy định: tối đa không quá 05 lần mức lương cơ sở.

Mức lương cơ sở hiện nay là 1.490.000 đồng (khoản 2 Điều 3 Nghị định 38/2019/NĐ-CP).

Tuy nhiên, ngày 11/11/2022, Nghị quyết 69/2022/QH15 chính thức được thông qua. Trong đó có quy định tăng mức lương cơ sở lên 1.800.000 đồng/tháng kể từ ngày 01/7/2023.

– Đối với người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định tại thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc: tối đa không quá 05 lần mức lương tối thiểu vùng.

Căn cứ khoản 1 Điều 3 Nghị định 38/2022/NĐ-CP, mức lương tối thiểu tháng như sau:

– Vùng I: 4.680.000.                      

– Vùng II: 4.160.000.

– Vùng III: 3.640.000.

– Vùng IV: 3.250.000.

Người lao động có thể được hưởng trợ cấp thất nghiệp trong bao lâu?

Căn cứ khoản 2 Điều 50 Luật Việc làm 2013 thì thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp, cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 03 tháng trợ cấp thất nghiệp, sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 01 tháng trợ cấp thất nghiệp.

Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa không quá 12 tháng.

Theo khoản 3 Điều 50 Luật Việc làm 2013, thời điểm hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính từ ngày thứ 16, kể từ ngày nộp đủ hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định tại khoản 1 Điều 46 của Luật Việc làm 2013.

Bên cạnh đó, theo quy định tại Điều 21 Nghị định 28/2015/NĐ-CP (được sửa đổi bởi khoản 9 Điều 1 Nghị định 61/2020/NĐ-CP) thì người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp trong các trường hợp sau đây:

(1) Hết thời hạn hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động;

(2) Có việc làm;

(3) Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an;

(4) Hưởng lương hưu hằng tháng;

(5) Sau 02 lần người lao động từ chối việc làm do trung tâm dịch vụ việc làm nơi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp giới thiệu mà không có lý do chính đáng;

(6) Trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp, 03 tháng liên tục không thực hiện thông báo hằng tháng về việc tìm kiếm việc làm với trung tâm dịch vụ việc làm theo quy định;

(7) Ra nước ngoài để định cư, đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng;

(8) Đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên;

(9) Bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi vi phạm pháp luật bảo hiểm thất nghiệp;

(10) Chết;

(11) Chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;

(12) Bị tòa án tuyên bố mất tích;

(13) Bị tạm giam, chấp hành hình phạt tù.

Người lao động muốn chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp có được hay không?

Tại khoản 1 Điều 22 Nghị định 28/2015/NĐ-CP thì người lao động đã hưởng ít nhất 01 tháng trợ cấp thất nghiệp theo quy định mà có nhu cầu chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp đến tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác thì phải làm đề nghị chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định và gửi trung tâm dịch vụ việc làm nơi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Lời kết

Bài viết trên đã nêu chi tiết những điều mà người lao động và doanh nghiệp cần lưu ý về bảo hiểm thất nghiệp, trợ cấp thất nghiệp. Để tìm hiểu thêm nhiều bài viết về chủ đề này, các bạn hãy tiếp tục theo dõi website của chúng tôi nhé.

Phần mềm kê khai bảo hiểm điện tử CyberCare

  • VPGD: Tầng 4, tòa nhà T608B, Tôn Quang Phiệt, Cổ Nhuế 1, Bắc Từ Liêm, TP. Hà Nội
  • Hotline: 19002038
  • Websitehttps://cybercare.vn/
  • Email: kinhdoanh@cyberlotus.com