Hộ nghèo và chính sách bảo hiểm y tế

Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg (ngày 15/11/2015) của Thủ tướng Chính phủ về việc “ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều” đã quy định các tiêu chí tiếp cận đo lường nghèo đa chiều; chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có mức sống trung bình áp dụng cho giai đoạn 2016-2020. Mức chuẩn nghèo là căn cứ để đo lường và giám sát mức độ thiếu hụt về thu nhập và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân; là cơ sở xác định đối tượng để thực hiện các chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội; hoạch định các chính sách kinh tế – xã hội khác.

Theo Quyết định 59/2015/QĐ-TTg, tiêu chí để xác định hộ nghèo như sau:

Khu vực nông thôn: Hộ nghèo là hộ đáp ứng 01 trong 02 tiêu chí sau:

+ Có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ đủ 700.000 đồng trở xuống;

+ Có thu nhập bình quân đầu người/tháng trên 700.000 đồng đến 1.000.000 đồng và thiếu hụt từ 03 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản trở lên.

Khu vực thành thị: Hộ nghèo là hộ đáp ứng 01 trong 02 tiêu chí sau:

+ Có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ đủ 900.000 đồng trở xuống;

+ Có thu nhập bình quân đầu người/tháng trên 900.000 đồng đến 1.300.000 đồng và thiếu hụt từ 03 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản trở lên.

Các tiêu chí mức độ thiếu hụt tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản gồm:

+ Các dịch vụ xã hội cơ bản (05 dịch vụ): y tế; giáo dục; nhà ở; nước sạch và vệ sinh; thông tin;

+ Các chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản (10 chỉ số): Tiếp cận các dịch vụ y tế; bảo hiểm y tế; trình độ giáo dục của người lớn; tình trạng đi học của trẻ em; chất lượng nhà ở; diện tích nhà ở bình quân đầu người; nguồn nước sinh hoạt; hố xí/nhà tiêu hợp vệ sinh; sử dụng dịch vụ viễn thông; tài sản phục vụ tiếp cận thông tin.

Trong giai đoạn 2021-2025, dự kiến có thay đổi về tiêu chí về thu nhập và chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản đối với hộ nghèo như sau:

Khu vực nông thôn là hộ nghèo có thu nhập bình quân từ 1,5 triệu đồng/người/tháng trở xuống và thiếu hụt từ ba chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trở lên.

Khu vực thành thị là hộ nghèo có thu nhập bình quân từ 2,0 triệu đồng/người/tháng trở xuống và thiếu hụt từ ba chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trở lên.

>> Ban hành mới mẫu thẻ BHYT

Với các hộ nghèo, đáng lẽ bảo hiểm y tế phải là một phần tất yếu của cuộc sống nhưng vì nghèo mà nhiều khi nhu cầu đó trở thành khó thực hiện. Việc Chính phủ quy định về chuẩn nghèo cho từng khu vực, trong từng giai đoạn để luật hóa việc hỗ trợ đóng góp đã giúp cho các hộ nghèo được hưởng các ưu đãi của chính sách an sinh xã hội. Theo quy định tại Điều 12 Luật Bảo hiểm y tế 2014, người thuộc hộ gia đình nghèo nằm trong nhóm đối tượng tham gia bảo hiểm y tế do ngân sách Nhà nước đóng. Người thuộc hộ gia đình nghèo sẽ được cấp thẻ BHYT hộ nghèo để sử dụng khi khám, chữa bệnh.

Theo quy định tại Điều 12, Luật Bảo hiểm Y tế 2014: “Người tham gia bảo hiểm y tế khi đi khám bệnh, chữa bệnh theo quy định tại các điều 26, 27 và 28 của Luật này thì được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong phạm vi được hưởng với mức hưởng như sau:

a) 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với đối tượng quy định tại các điểm a, d, e, g, h và i khoản 3 Điều 12 của Luật này. Chi phí khám bệnh, chữa bệnh ngoài phạm vi được hưởng bảo hiểm y tế của đối tượng quy định tại điểm a khoản 3 Điều 12 của Luật này được chi trả từ nguồn kinh phí bảo hiểm y tế dành cho khám bệnh, chữa bệnh của nhóm đối tượng này; trường hợp nguồn kinh phí này không đủ thì do ngân sách nhà nước bảo đảm;”.(người thuộc hộ nghèo là đối tượng quy định tại điểm h khoản 3 Điều 12).

 Theo Quyết định 14/2012/QĐ-TTg, người thuộc hộ nghèo được hưởng chế độ khám, chữa bệnh như sau: “Hỗ trợ tiền ăn khi điều trị nội trú tại các cơ sở y tế của Nhà nước từ tuyến huyện trở lên với mức tối thiểu 3% mức lương tối thiểu chung/người bệnh/ngày. Hỗ trợ tiền đi lại từ nhà đến bệnh viện, từ bệnh viện về nhà và chuyển bệnh viện cho các đối tượng thuộc khoản 1 và 2 Điều 2 Quyết định số 139/2002/QĐ-TTg khi điều trị nội trú tại các cơ sở y tế của Nhà nước từ tuyến huyện trở lên, các trường hợp cấp cứu, tử vong hoặc bệnh quá nặng và người nhà có nguyện vọng đưa về nhà nhưng không được bảo hiểm y tế hỗ trợ”.

Tuy nhiên, trong thực tế, (ngày 03/11/2020) Bộ Y tế cho biết: “Hiện nay, chỉ còn khoản hỗ trợ tiền ăn cho các đối tượng và chi phí tiền đi lại từ nhà đến cơ sở y tế và từ cơ sở y tế về nhà là chưa được Quỹ Bảo hiểm y tế thanh toán”. Cũng theo Bộ Y tế, “Theo quy định tại Khoản 11 Điều 8 Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015, từ 01/01/2017 ngân sách Nhà nước không hỗ trợ kinh phí hoạt động đối với Quỹ Khám, chữa bệnh cho người nghèo. Vì vậy mà Quỹ Khám, chữa bệnh người nghèo đã không còn được duy trì là Quỹ tài chính nhà nước mà chỉ còn có thể hoạt động dưới loại hình là Quỹ xã hội từ thiện”. Như vậy, để tiếp tục bảo đảm thực hiện các chính sách an sinh xã hội, UBND các tỉnh, thành phố cần phải trình HĐND ban hành chính sách hỗ trợ khám, chữa bệnh đối với một số đối tượng theo thẩm quyền. Mức hỗ trợ do HĐND tỉnh, thành phố quyết định trên cơ sở khả năng cân đối ngân sách của địa phương. Nguồn kinh phí thực hiện chế độ hỗ trợ do ngân sách địa phương tự bảo đảm.

Như vậy, người thuộc hộ nghèo có thẻ BHYT được hỗ trợ 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong phạm vi được hưởng bảo hiểm y tế và thẻ Bảo hiểm Y tế hộ nghèo chỉ có giá trị sử dụng từ ngày 01/01 đến hết ngày 31/12 của năm đó (Điều 47, Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017).