Lương tháng thứ 13 với BHXH và thuế Thu nhập cá nhân

Khi thỏa thuận làm một công việc gì đó cho người sử dụng lao động thì  người lao động sẽ được trả một khoản tiền theo một kỳ hạn nhất định, được gọi là lương. Ngoài tiền lương, người lao động còn có thể nhận được một khoản vật chất khác được gọi là thưởng. Thưởng là số tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác mà người lao động nhận được từ người sử dụng lao động, căn cứ vào kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và mức độ hoàn thành công việc của người lao động. Quy chế thưởng do người sử dụng lao động quyết định và công bố công khai (Điều 104 Bộ Luật Lao động 2019, có hiệu lực từ ngày 01/01/2021). Như vậy, việc có thưởng cho người lao động hay không, thưởng bằng hình thức gì là do người sử dụng lao động quyết định.

Thông thường, vào dịp cuối mỗi năm dương lịch, người lao động có thêm một khoản tiền được gọi là “lương tháng thứ 13”. Trong Bộ Luật Lao động 2019, Điều 90 (Tiền lương) và Điều 104 (Thưởng) đều không đề cập đến “lương tháng thứ 13”. Như vậy, “lương tháng thứ 13” là khoản tiền mà người lao động được trả thêm theo thỏa thuận của người lao động và người sử dụng lao động. Nếu khoản thu nhập này được thể hiện trong văn bản giao kết hợp đồng lao động cá nhân hoặc thỏa ước hợp đồng lao động tập thể thì người sử dụng lao động bắt buộc phải trả thêm cho người lao động. Tuy nhiên, trả ở mức độ nào thì lại phải căn cứ vào kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và mức độ hoàn thành công việc của người lao động.

Về khoản thu nhập này, giữa các văn bản pháp quy có 2 quan điểm khác nhau dẫn đến 2 quy định khác nhau về BHXH và thuế Thu nhập cá nhân.

Đối với BHXH

 Điều 89 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định: Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật về lao động. Cụ thể là gồm 09 khoản sau: Tiền lương. Phụ cấp chức vụ, chức danh. Phụ cấp trách nhiệm. Phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Phụ cấp thâm niên. Phụ cấp khu vực. Phụ cấp lưu động. Phụ cấp thu hút và các phụ cấp có tính chất tương tự. Các khoản bổ sung xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động và trả thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương (Thông tư 47/2015 và Thông tư 59/2015/TT-BHXH).

Có thể thấy, tùy theo quyết định của từng người sử dụng lao động mà “lương tháng thứ 13” có thể được trả theo nhiều cách: Theo một mức đồng nhất cho mỗi chức danh, vị trí làm việc; theo số tháng thực làm việc; chỉ trả cho người làm đủ 12 tháng trong năm…  Cũng vì vậy, theo quy định về tiền lương của Luật BHXH thì “lương tháng thứ 13” không phải là lương mà là một khoản tiền thưởng, vừa có tính chất khuyến khích lao động vừa nâng cao quyền lợi cho người lao động. Vì “lương tháng thứ 13” là một khoản tiền thưởng nên không thuộc các khoản tiền lương tháng phải đóng BHXH bắt buộc (Điều 30 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH).

>> Thủ tục giải quyết hưởng BHXH một lần

Đối với thuế Thu nhập cá nhân

Mặc dù các văn bản pháp quy không quy định về “lương tháng thứ 13”, nhưng vì là khoản tiền được trả căn cứ vào các việc làm được trả lương và được ghi trong hợp đồng lao động cá nhân hoặc thỏa ước hợp đồng lao động tập thể nên đó là một khoản thu nhập có tính chất tiền lương, tiền công của người lao động. Theo quy định tại Điều 3, Luật thuế Thu nhập cá nhân số 04/2007/QH12 thì dù là tiền lương, tiền công và các khoản thu nhập có tính chất tiền lương, tiền công hay là tiền thưởng (trừ một số khoản mục tiền thưởng có quy định cụ thể) thì cũng đều thuộc diện thu nhập chịu thuế Thu nhập cá nhân. Người lao động phải kê khai và nộp thuế Thu nhập cá nhân nếu có các khoản thu nhập từ tiền lương, tiền công, tiền thưởng (bằng tiền mặt hoặc các hình thức khác) bình quân tháng từ trên 11 triệu đồng (không tính người phụ thuộc).