Trách nhiệm của người sử dụng lao động, người lao động trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp

Do ảnh hưởng tiêu cực của dịch COVID-19 làm hoạt động sản xuất, kinh doanh bị đình trệ nên nhiều doanh nghiệp không cân đối được nguồn tiền để đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Tuy vậy, có những đơn vị, doanh nghiệp dù không bị ảnh hưởng nhiều nhưng vẫn cố tình trốn đóng, nợ đóng hoặc đóng bảo hiểm xã hội thiếu mức quy định.

Theo cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam, đến hết tháng 7/2020, tổng số tiền nợ bảo hiểm xã hội phải tính lãi (nợ từ 01 tháng trở lên) khoảng 20.682 tỷ đồng, chiếm 5,1% số phải thu. Toàn ngành Bảo hiểm xã hội đã phát hiện: 3.651 lao động thuộc đối tượng phải tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế nhưng chưa tham gia hoặc đóng thiếu thời gian với số tiền phải truy đóng là 31.534,2 triệu đồng; 11.563 lao động tham gia thiếu mức quy định với số tiền phải truy đóng là 53.806,6 triệu đồng.

Trong tình hình thất nghiệp gia tăng do dịch bệnh thì số tiền nợ bảo hiểm xã hội rất lớn kể trên sẽ làm đời sống của người lao động thêm vất vả. Nợ tiền bảo hiểm xã hội là những vi phạm hành chính thuộc trách nhiệm của cả người sử dụng lao động và người lao động. Những vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội thường là: Cố tình không tham gia bảo hiểm bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp; trốn đóng hoặc đóng không đúng mức quy định hoặc không đóng đủ số người thuộc diện bắt buộc tham gia; chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp; làm giả hoặc làm sai lệch hồ sơ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp để trục lợi; thỏa thuận với người lao động để không tham gia hoặc tham gia không đúng mức quy định về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp; người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp không thông báo với trung tâm dịch vụ việc làm khi đã có việc làm hoặc đã đi nghĩa vụ quân sự, ra nước ngoài…

>> Quy định về “có việc làm” đối với người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp

Tất cả những hành vi vi phạm hành chính về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp đều bị xử phạt bằng tiền. Mức xử phạt bằng tiền đối với tổ chức là gấp 02 lần mức xử phạt bằng tiền đối với cá nhân. Đối với người sử dụng lao động, ngoài việc phải đóng đủ số tiền chưa đóng, chậm đóng từ 30 ngày trở lên, còn phải nộp số tiền lãi bằng 02 lần mức lãi suất đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng; nếu không thực hiện thì theo yêu cầu của người có thẩm quyền, ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước có trách nhiệm trích từ tài khoản tiền gửi của người sử dụng lao động để nộp số tiền chưa đóng, chậm đóng và lãi của số tiền này vào tài khoản của cơ quan Bảo hiểm xã hội.