Lưu ý ngay 8 khoản chi phúc lợi cho người lao động được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp  

Lưu ý ngay 8 khoản chi phúc lợi cho người lao động được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp

Theo quy định của pháp luật hiện hành, khoản chi phúc lợi trực tiếp nào cho người lao động được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp? 

08 khoản chi phúc lợi được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế

Căn cứ Điều 6 Văn bản hợp nhất số 11/VBHN-BTC ngày 15/5/2017 của Bộ Tài chính và Điều 3 Thông tư 25/2018/TT-BTC, 08 khoản chi có tính chất phúc lợi chi trực tiếp cho người lao động sau đây được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp

1. Chi đám hiếu, hỷ của bản thân và gia đình người lao động.

2. Chi nghỉ mát, chi hỗ trợ điều trị.

3. Chi hỗ trợ bổ sung kiến thức học tập tại cơ sở đào tạo.

4. Chi hỗ trợ gia đình người lao động bị ảnh hưởng bởi thiên tai, địch họa, tai nạn, ốm đau.

5. Chi khen thưởng con của người lao động có thành tích tốt trong học tập.

6. Chi hỗ trợ chi phí đi lại ngày lễ, tết cho người lao động.

7. Chi bảo hiểm tai nạn, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm tự nguyện khác cho người lao động; trừ khoản chi mua bảo hiểm nhân thọ cho người lao động, bảo hiểm hưu trí tự nguyện cho người lao động hướng dẫn sau đây:

Không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với phần chi vượt mức 03 triệu đồng/tháng/người để: Trích nộp quỹ hưu trí tự nguyện, mua bảo hiểm hưu trí tự nguyện, bảo hiểm nhân thọ cho người lao động; Phần vượt mức quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, về bảo hiểm y tế để trích nộp các quỹ có tính chất an sinh xã hội (bảo hiểm xã hội, bảo hiểm hưu trí bổ sung bắt buộc), quỹ bảo hiểm y tế và quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.

Khoản chi trích nộp quỹ hưu trí tự nguyện, quỹ có tính chất an sinh xã hội, mua bảo hiểm hưu trí tự nguyện, bảo hiểm nhân thọ cho người lao động được tính vào chi phí được trừ ngoài việc không vượt mức quy định nêu trên còn phải được ghi cụ thể Điều kiện hưởng và mức hưởng tại một trong các hồ sơ sau: Hợp đồng lao động; Thỏa ước lao động tập thể; Quy chế tài chính của Công ty, Tổng công ty, Tập đoàn; Quy chế thưởng do Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng giám đốc, Giám đốc quy định theo quy chế tài chính của Công ty, Tổng công ty.

Doanh nghiệp không được tính vào chi phí đối với các khoản chi cho Chương trình tự nguyện nêu trên nếu doanh nghiệp không thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ về bảo hiểm bắt buộc cho người lao động (kể cả trường hợp nợ tiền bảo hiểm bắt buộc).

8. Những khoản chi phúc lợi khác.

Lưu ý về tổng số chi 08 khoản chi phúc lợi nêu trên

Tổng số khoản chi phúc lợi cho người lao động nêu trên không quá 01 tháng lương bình quân thực tế thực hiện trong năm tính thuế của doanh nghiệp.

Việc xác định 01 tháng lương bình quân thực tế thực hiện trong năm tính thuế của doanh nghiệp được xác định bằng quỹ tiền lương thực hiện trong năm chia (:) 12 tháng. Trường hợp doanh nghiệp hoạt động không đủ 12 tháng thì: Việc xác định 01 tháng lương bình quân thực tế thực hiện trong năm tính thuế được xác định bằng quỹ tiền lương thực hiện trong năm chia (:) số tháng thực tế hoạt động trong năm.

Quỹ tiền lương thực hiện là tổng số tiền lương thực tế đã chi trả của năm quyết toán đó đến thời hạn cuối cùng nộp hồ sơ quyết toán theo quy định (không bao gồm số tiền trích lập quỹ dự phòng tiền lương của năm trước chi trong năm quyết toán thuế).

Lời kết

Hy vọng bài viết của CyberCare đã cung cấp cho các bạn những thông tin đầy đủ và cập nhật nhất về các khoản chi phúc lợi cho người lao động. Hãy tiếp tục theo dõi website và fanpage NewCA để cập nhật nhiều bài viết chuyên ngành nhé!